Các nguy cơ Diêm Tích Sơn

Xung đột ban đầu với Nhật Bản

Diêm Tích Sơn không tiến đến xung đột nghiêm trọng với người Nhật cho đến đầu thập niên 1930. Trong thời gian lưu vong tại Đại Liên vào năm 1930, Diêm Tích Sơn nhận biết được các kế hoạch xâm chiếm Mãn Châu của Nhật Bản, và giả bộ cộng tác với người Nhật nhằm tạo áp lực để Tưởng Giới Thạch phải cho phép ông trở về Sơn Tây, sau đó ông mới cảnh báo Tưởng Giới Thạch về ý định của Nhật Bản. Việc người Nhật chiếm Mãn Châu thành công vào năm 1931 khiến Diêm Tích Sơn kinh sợ, ông tuyên bố rằng một mục tiêu chính trong kế hoạch 10 năm của ông là tăng cường phòng thủ Sơn Tây kháng Nhật. Đầu thập niên 1930, Diêm Tích Sơn ủng hộ các cuộc nổi loạn kháng Nhật, lên án Nhật Bản chiếm đóng Mãn Châu là "dã man" và "độc ác", công khai kêu gọi Tưởng Giới Thạch đưa quân đến Mãn Châu, và hỗ trợ cho những du kích kháng Nhật tại Mãn Châu.[39]

Trong tháng 12 năm 1931, Diêm Tích Sơn cảnh báo rằng sau khi đoạt quyền kiểm soát Mãn Châu, người Nhật sẽ nỗ lực đoạt quyền kiểm soát Nội Mông bằng cách lật đổ nhà đương cục Trung Quốc tại Sát Cáp NhĩTuy Viễn (tỉnh). Nhằm ngăn chặn điều này, trước tiên Diêm Tích Sơn đoạt quyền kiểm soát Tuy Viễn, phát triển nguồn khoáng sản sắt phong phú của Tuy Viễn (24% của Trung Quốc), và cho hàng nghìn binh sĩ-nông dân định cư tại Tuy Viễn. Khi các binh sĩ Mãn Châu Quốc (do Nhật Bản vũ trang và chỉ huy) xâm chiếm Sát Cáp Nhĩ vào năm 1935, Diêm Tích Sơn gần như tuyên chiến với Nhật bằng cách chấp thuận một chức vụ giống như "cố vấn" của Ủy ban chính vụ Mông Cổ Tuy Viễn, một cơ cấu do chính phủ trung ương thiết lập nhằm tổ chức người Mông Cổ phản đối Nhật Bản.[40]

Người Nhật bắt đầu xúc tiến "quyền tự trị" cho miền Bắc Trung Quốc vào mùa hạ năm 1935. Có vẻ như nhiều yếu nhân Nhật Bản tại Trung Quốc cho rằng Diêm Tích Sơn và nhiều nhân vật khác tại miền bắc về cơ bản là thân Nhật, và sẵn sàng phụ thuộc bản thân vào người Nhật để đổi lấy sự bảo hộ trước Tưởng Giới Thạch. Diêm Tích Sơn phát hành một thư ngỏ vào tháng 9, trong đó ông cáo buộc người Nhật muốn xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc trong hai thập niên tới. Theo các nguồn của Nhật Bản, Diêm Tích Sơn tham gia các đàm phàn với người Nhật vào năm 1935, song chưa từng nhiệt tình về "quyền tự trị" và bác bỏ đàm phán về chúng khi ông nhận thấy họ có ý định biến ông thành bù nhìn. Diêm Tích Sơn có vẻ như sử dụng các cuộc đàm phán này để khiến Tưởng Giới Thạch hoảng sợ và phải đưa quân đến phòng thủ Sơn Tây, do ông sợ rằng Tưởng Giới Thạch đang chuẩn bị hy sinh Hoa Bắc để tránh phải giao chiến với Nhật Bản. Nếu đây là ý định của Diêm Tích Sơn thì chúng đã thành công, Tưởng Giới Thạch đảm bảo với Diêm Tích Sơn rằng ông ta sẽ cho quân phòng thủ Sơn Tây trong trường hợp Sơn Tây bị xâm chiếm.[41]

Xung đột ban đầu với Đảng Cộng sản

Mặc dù ái mộ triết lý và phương thức kinh tế của chủ nghĩa Cộng sản, song Diêm Tích Sơn lo sợ mối đe dọa từ những người Cộng sản Trung Quốc ở mức độ gần tương đương với người Nhật. Trong đầu thập niên 1930, Diêm Tích Sơn quan sát thấy rằng nếu Hồng quân công nông xâm chiếm Sơn Tây thì lực lượng này sẽ nhận được sự ủng hộ của 70% dân chúng, và sẽ dễ dàng tuyển mộ một triệu binh sĩ trong số những công dân tuyệt vọng nhất tại Sơn Tây. Diêm Tích Sơn nhận xét rằng "công việc đàn áp Cộng sản là 70% chính trị và chỉ 30% quân sự, còn công việc ngăn ngừa sự phát triển của nó nói chung là 90% chính trị." Nhằm ngăn chặn mối đe dọa của Cộng sản với Sơn Tây, Diêm Tích Sơn gửi quân đi giao chiến với lực lượng Cộng sản tại Giang Tây và sau đó là Thiểm Tây, tổ chức thân sĩ và nhà đương cục tại thôn vào các tổ chức chính trị chống tham ô và chống Cộng sản, và nỗ lực (hầu như không thành công) để thực hiện một chương trình cải cách điền địa quy mô lớn.[42]

Những cải cách này không ngăn chặn được sự lan truyền các hoạt động du kích Cộng sản vào Sơn Tây. Sưới sự lãnh đạo của Lưu Chí ĐanTừ Hải Đông, 34.000 quân Cộng sản tiến vào miền tây nam Sơn Tây vào tháng 2 năm 1936. Đúng như Diêm Tích Sơn dự đoán, những người Cộng sản nhận được sự ủng hộ đại chúng; và mặc dù quân số ít hơn và được trang bị kém hơn song lực lượng Cộng sản thành công trong việc chiếm đóng một phần ba lãnh thổ Sơn Tây (ở miền nam) trong vòng chưa đầy một tháng. Chiến lược du kích của Cộng sản rất hiệu quả, quân của Diêm Tích Sơn mất tinh thần và nhiều lần bị đột kích. Nhờ hợp tác của nhân dân địa phương, Hồng quân công nông có thể lảng tránh và dễ dàng xác định vị trí quân của Diêm Tích Sơn, và triệt thoái khỏi tỉnh khi chính phủ trung ương phái quân tiếp viện. Bản thân Diêm Tích Sơn thừa nhận rằng lực lượng của ông chiến đấu kém trong chiến dịch, lực lượng Quốc Dân đảng duy trì tại Sơn Tây biểu lộ thái độ thù địch với quyền lực của Diêm Tích Sơn, song không gây trở ngại tới công việc thống trị của ông.[43]

Mông Cương xâm chiếm

Trong tháng 3 năm 1936, binh sĩ Mãn Châu Quốc đang chiếm đóng tỉnh Sát Cáp Nhĩ xâm chiếm miền đông bắc của tỉnh Tuy Viễn do Diêm Tích Sơn quản lý. Các binh sĩ Mãn Châu Quốc đoạt được đô thị Bách Linh Miếu tại miền bắc Tuy Viễn, tại đây "Ủy ban chính vụ tự trị địa phương Mông Cổ" thân Nhật duy trì trụ sở của họ. Ba tháng sau, người đứng đầu ủy ban chính vụ là Đức vương Demchugdongrub tuyên bố rằng mình là người thống trị của Mông Cương, và tổ chức một quân đội với trợ giúp về thiết bị và huấn luyện từ người Nhật. Trong tháng 8 năm 1936, quân đội của Đức vương nỗ lực xâm chiếm miền đông Tuy Viễn, song bị quân của Diêm Tích Sơn dưới quyền Phó Tác Nghĩa đánh bại. Sau thất bại này, Đức vương lập kế hoạch cho các cuộc xâm chiếm khác trong khi các tay sai của Nhật Bản cẩn trọng phác thảo và chụp hình hệ thống phòng thủ của Tuy Viễn.[44]

Sau khi Tuy Viễn bị tiến công, nhằm chuẩn bị cho khả năng sớm bị Nhật Bản xâm chiếm, Diêm Tích Sơn nỗ lực để buộc toàn bộ học sinh phải trải qua vài tháng huấn luyện quân sự cưỡng bách, và thiết lập một liên minh phi chính thức với những người Cộng sản nhằm mục đích chiến đấu với Nhật Bản, vài tháng trước Sự biến Tây An. Trong tháng 11 năm 1936, quân đội của Đức vương đưa cho Phó Tác Nghĩa một tối hậu thư đầu hàng, khi Phó Tác Nghĩa đáp lại rằng Đức vương chỉ là một con rối và yêu cầu Đức vương quy phục quyền uy của chính phủ trung ương, quân đội Mông Cổ của Đức vương và quân đội Mãn Châu Quốc tiến hành một cuộc tấn công tham vọng hơn.[45]

Dự liệu từ trước, các điệp viên Nhật Bản phá hủy một kho quân nhu lớn tại Đại Đồng, và tiến hành các hành động phá hoại khác. Diêm Tích Sơn đưa ra các binh sĩ tinh nhuệ nhất và tướng tài nhất, trong đó có Triệu Thừa Thụ, con rể Diêm là Vương Tĩnh Quốc, nằm dưới quyền chỉ huy của Phó Tác Nghĩa. Trong tháng diễn ra giao tranh sau đó, quân đội Mông Cương chịu tổn thất nghiêm trọng. Quân của Phó Tác Nghĩa chiếm được Bách Linh Miếu vào ngày 24 tháng 11 năm 1936, và dự định tiến quân đến Sát Cáp Nhĩ trước khi nhận được cảnh báo của Quốc Dân đảng rằng làm vậy sẽ kích động một cuộc tiến công của quân đội Nhật Bản. Quân của Đức vương nhiều lần cố gắng tái chiếm Bách Linh Miếu, song điều này chỉ khiêu khích Phó Tác Nghĩa đưa quân lên phía bắc, tại đây ông ta thành công trong việc chiếm các căn cứ cuối cùng của Đức vương tại Tuy Viễn và gần như hủy diệt quân đội của Đức vương. Sau khi các sĩ quan người Nhật được phát hiện trợ giúp cho Đức vương, Diêm Tích Sơn công khai cáo buộc tội Nhật Bản hỗ trợ. Những thắng lợi của Diêm Tích Sơn tại Tuy Viễn trước các lực lượng do Nhật Bản hậu thuẫn được các báo chí Trung Quốc, các quân phiệt và lãnh đạo chính trị khác, cùng công chúng Trung Quốc tán tụng.[46]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Diêm Tích Sơn http://books.google.ca/books?id=ib-sEZzxkb4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rfu-hR8msh4C&pg=PA... http://books.google.ca/books?id=rsLQdBUgyMUC&print... http://www.time.com/time/covers/0,16641,19300519,0... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://tw.myblog.yahoo.com/lulu-lisa/article?mid=1... http://aleph.nkp.cz/F/?func=find-c&local_base=aut&... http://catalogue.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005 http://data.bnf.fr/ark:/12148/cb162350005